DiscoverTạp chí đặc biệtMicheline Ostermeyer : Nghệ sĩ dương cầm trên sân vận động Olympic
Micheline Ostermeyer : Nghệ sĩ dương cầm trên sân vận động Olympic

Micheline Ostermeyer : Nghệ sĩ dương cầm trên sân vận động Olympic

Update: 2024-07-19
Share

Description

Trong lịch sử Thế Vận Hội, nữ vận động viên điền kinh Micheline Ostermeyer là người duy nhất vừa ngự trị trên các sân vận động, vừa là một nghệ sĩ dương cầm chinh phục khán giả khó tính của dòng nhạc cổ điển tại những nhà hát giao hưởng của Pháp và châu Âu.

Ba huy chương Olympic : 2 vàng và 1 đồng

« Trước sự chứng kiến của Quốc Vương và Hoàng Hậu Anh, 82. 000 khán giả và 6.000 vận động viên từ khắp nơi trên thế giới tề tựu về Luân Đôn dự lễ khai mạc Thế Vận Hội lần thứ 14 (...) Trong môn thi đấu đầu tiên, môn ném đĩa nữ,  nữ vận động viên người Ý Edera Cordiale Gentile đang dẫn đầu (...) về hạng ba, là nữ vận động viên Pháp, Jacqueline Mazéas (...) Nhưng giờ đây nhà vô địch của Pháp Micheline Ostermeyer nhập cuộc! Và thưa quý vị. cô phá kỷ lục của Pháp, đoạt chức vô địch Olympic … Chiến thắng đầu tiên của Pháp » Thế Vận Hội Luân Đôn 1948.

Trên đây là tường thuật trên đài phát thanh Pháp về sự kiện Olympic Luân Đôn. Micheline Ostermeyer tỏa sáng. Bà ra về với hai huy chương vàng và một đồng.

Bốn ngày sau khi đoạt huy chương vàng ở môn ném đĩa, Micheline bất ngờ đoạt luôn chức vô địch ở môn ném tạ và lại rạng rỡ bước lên bục cao nhất để nhận chiếc huy chương vàng. Giới hâm mộ thể thao Pháp lại được tin : 

« Micheline Ostermeyer, với thành tích 13 mét 75, đoạt chức vô địch Olympic. Lần thứ nhì bà bước lên bục cao nhất để nhận giải thưởng trong tiếng quốc ca La Marseillaise, cờ Pháp bay cao trên bầu trời Olympic ».

Năm 1948 cũng là lần đầu tiên trong lịch sử Olympic phụ nữ được tham gia bộ môn này và chiếc huy chương đầu tiên đã được trao tặng cho Micheline Ostermeyer.

Một bản giao hưởng ở hậu trường sân vận động Luân Đôn

Trong những giờ phút thư giãn, Micheline Ostermeyer chơi đàn và đã tặng cho các đồng đội một buổi hòa nhạc dương cầm đáng ghi nhớ trước khi Micheline trở lại sân vận động, nhưng lần này là để thi đấu ở môn nhẩy cao …

Ignace Heinrich, nam vận động viên điền kinh cùng dự Olympic Luân Đôn kể lại :

« Tôi còn nhớ khi Micheline bước vào sân vận động : tôi khuyến khích cô ấy cố gắng lên, thi thố tài năng hết mình. Micheline trả lời ngắn gọn : ‘không lo’. Đấy là phong cách của cô ấy. Cô không có gì để mất, không sợ gì cả và quyết chí đi đến cùng ».

Micheline Ostermeyer ra về với một chiếc huy chương đồng. Nhiều năm sau, bà rất hãnh diện với thành tích ba chiếc huy chương Olympic Luân Đôn :   

« Tôi rất hạnh phúc đến Luân Đôn tranh tài, tôi đã được tham dự cuộc chơi và may mắn là đã khá thành công. Tôi đã cố gắng hết sức mình, nên không ân hận về điều gì. Ở môn nhảy cao, tôi về hạng ba và tôi biết là không thể nào vượt qua được hai vận động viên đã đoạt huy chương vàng và bạc. Olympic tại Luân Đôn năm 1948 là một kỷ niệm rất đẹp ».

Nữ vận động viên Pháp Paule Laurent rất khâm phục một nhà thể thao đàn chị : « Micheline là người đầy nghị lực để thi đấu. Mục đích của bà là phải thắng, cho nên bà đã chuẩn bị rất kỹ mỗi lần ra sân vận động để thi đấu cũng như trước những buổi hòa nhạc trên sân khấu. Bà luôn tìm đến gần nhất với sự hoàn hảo ».

Âm nhạc, tình yêu ban đầu

Micheline Ostermeyer sinh năm 1922 tại một thành phố nhỏ ở miền bắc nước Pháp. Mẹ là nhạc sĩ dương cầm, âm nhạc là dấu ấn của gia đình bên ngoại còn bên nội đã truyền lại cho bà niềm đam mê thể thao.

Trong Thế Chiến Thứ Hai gia đình bà sang định cư ởTunis. Micheline đỗ thủ khoa tú tài 1và cùng lúc đoạt luôn 5 danh hiệu vô địch điền kinh của Tunisie. Không chỉ có thế, cô con gái trong gia đình Ostermeyer còn đoạt giải nhất Học Viện Âm Nhạc Tunis và đã sớm thành danh trong làng âm nhạc cổ điển. Micheline được mời biểu diễn tại những phòng nhạc uy tín nhất của thủ đô Tunis và đã nhiều lần thu âm các chương trình nhạc cổ điển cho Đài Phát Thanh Quốc Gia.

Kết thúc chiến tranh cùng gia đình trở lại Paris, Micheline ghi danh vào Nhạc Viện Paris rồi cô mon men đến gõ cửa Hiệp Hội Điền Kinh Quốc Gia Pháp. Khi biết Micheline là « nhạc sĩ dương cầm », không ít người trong hội « phì cười » và khiêu khích nhìn vào đôi tay của nhạc sĩ dương cầm này. 

Micheline Ostermeyer biết rằng cách trả lời duy nhất là những thành tích của bà trên sân vận động. Chỉ vài tháng sau, Micheline Ostermeyer đoạt chức vô địch toàn quốc môn ném tạ.

Năm 1947 là thời điểm Micheline vừa chuẩn bị đại diện cho nước Pháp ở Thế Vận Hội Luân Đôn, vừa biểu diễn hòa nhạc ở nhà hát nổi tiếng Salle Gaveau Paris…

Sau thành công sáng chói ở Olympic Luân Đôn, Micheline Ostermeyer quay trở về với « tình yêu ban đầu » là âm nhạc. Kể từ năm 1951 bà không còn thi đấu.

Thế nhưng, do cuộc sống gia đình, nhiều lần phải theo chồng ra nước ngoài  Micheline phải tạm rời xa ánh sáng đèn màu của những phòng hòa nhạc nổi tiếng ở châu Âu. Bà dạy đàn để kiếm sống. Bà về giảng dạy tại trường nhạc ở thành phố Lorient vùng Bretagne, tây bắc nước Pháp. Micheline Ostermeyer giọng nói đượm buồn tâm sự :  

« Về đời sống của mình trong thế giới âm nhạc, tôi không tiếc nuối gì cả. Tôi luôn được sống và vẫn sống cùng với âm nhạc. Tôi dạy đàn để kiếm sống, nên thường đứng bên cạnh chiếc dương cầm nhiều hơn là được ngồi trước nhạc cụ này ».

Ngoài đời, Micheline Ostermeyer gặp nhiều bất hạnh : Chồng bà mất sớm rồi đến lượt con trai bà tử vong. Trong nỗi khổ đau tột cùng, âm nhạc là người bạn trung thành giúp bà đi đến cuối cuộc đời. Micheline Ostermeyer tâm sự :

« Nói đến những bất hạnh, quả thực là tôi đã trải qua nhiều khổ đau, tôi còn sống được là nhờ có âm nhạc. Không hiểu rằng những người khác thì sao và làm sao để sống như thế nào nếu chúng ta không thể thả hồn mình vào âm nhạc. Tôi đã lớn lên cùng với âm nhạc và đây là người bạn đồng hành cho giúp chấp nhận những mất mát, chấp nhận bị chia cách khỏi những người từng cùng tôi sống vì âm nhạc »

Micheline từ bỏ thành phố Lorient, trở về sống và giảng dậy tại học việc âm nhạc ở Saint Germain en Laye, ngoại ô Paris. Tại đây bà đã đào tạo nhiều thế hệ các nhạc sĩ dương cầm chuyên nghiệp, như nữ nghệ sĩ piano Hélène Berger. Khi đã thành danh, Hélène Berger trong một cuộc trả lời phỏng vấn nhớ về người thầy cũ của mình với những hình ảnh đẹp : 

« Cái bóng của Micheline không quá lớn để đè nặng lên đôi vai của những người học trò. Bà có tất cả : nào là nghị lực, nào là chất nhạc trong hơi thở, sự tinh tế khi bà truyền đạt nghệ thuật này cho các thế hệ đi sau. Và bà yêu âm nhạc, yêu những gì cao đẹp trong âm nhạc vô cùng. Theo học với bà, âm nhạc là sợi chỉ kết nối hai trái tim chúng tôi. Tất cả vì âm nhạc và chỉ có âm nhạc mà thôi ».

Micheline Ostermeyer mất năm 2001, đúng 50 năm sau khi bà từ gã các sân vận động. Ngày nay trên toàn quốc hiện có hơn 30 con đường và hàng chục các sân vận động, các cơ sở hạ tầng thể thao mang tên bà.

Comments 
loading
In Channel
loading
00:00
00:00
1.0x

0.5x

0.8x

1.0x

1.25x

1.5x

2.0x

3.0x

Sleep Timer

Off

End of Episode

5 Minutes

10 Minutes

15 Minutes

30 Minutes

45 Minutes

60 Minutes

120 Minutes

Micheline Ostermeyer : Nghệ sĩ dương cầm trên sân vận động Olympic

Micheline Ostermeyer : Nghệ sĩ dương cầm trên sân vận động Olympic

RFI Tiếng Việt